Hướng đến sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản xuất an toàn

Thứ năm - 02/12/2021 23:34 457 0

(Thanh tra)- Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thời gian qua Nghệ An đã đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh… góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

 
Đoàn liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra sản phẩm rau thịt tại Siêu thị Big C Vinh. Ảnh: Xuân Thống

Trách nhiệm quản lý Nhà nước còn gặp khó khăn

Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 34.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Theo quy định, công tác quản lý Nhà nước về ATTP được phân công, phân cấp đối với 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT),  Công Thương và UBND cấp huyện, xã.

Thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch và văn bản hướng dẫn. Trong 5 năm, UBND tỉnh đã ban hành 111 văn bản chỉ đạo về công tác ATTP trên địa bàn. UBND các huyện, thành, thị đã ban hành hơn 2.500 văn bản triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP theo lĩnh vực được phân công, phân cấp. 

Công tác tổ chức vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hàng năm, qua các đợt tổ chức lễ phát động "Tháng Hành động vì ATTP" thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu cùng các thành phần, dân cư. Các ngành Y tế, NN&PTNT, Công Thương, các sở, ngành khác, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành, thị đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật về ATTP theo lĩnh vực được phân công quản lý, đạt hiệu quả cao.

Toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 5.923 cơ sở; cấp giấy xác nhận kiến thức cho 38.058 tổ chức, cá nhân; ký cam kết cho 36.842 cơ sở. Từ năm 2016 đến đầu năm 2018 tiến hành công bố hợp quy 84 sản phẩm và công bố phù hợp 207 sản phẩm; từ đó đến nay, sau khi Chính phủ có quy định bãi bỏ 2 thủ tục này (Nghị định 15/2018) thay bằng tự công bố và công bố sản phẩm, toàn tỉnh đã tiến hành tiếp nhận bản tự công bố cho 969 sản phẩm thực phẩm. Mô hình sản xuất an toàn được Sở NN&PTNT, Sở Y tế triển khai mạnh mẽ.

Đến nay, Sở NN&PTNT đã xây dựng được 39 mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm nông - lâm - thủy sản (NLTS) ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, HACCP. Hỗ trợ thiết kế, in 150.000 tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ xây dựng 20 mã vạch; hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, bao bì cho 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS và chuyển giao một số máy móc thiết bị phục vụ trong sản xuất, chế biến thực phẩm NLTS; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm về truy xuất nguồn gốc, thiết kế và cung cấp 50 mã QRcode cho các cơ sở sản xuất, chế biến NLTS để tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, giới thiệu, quảng bá sản phẩm NLTS; xây dựng website quản lý chất lượng ATTP.

Ngành Y tế xây dựng 200 mô hình ATTP, trong đó có 92 cơ sở tham gia mô hình điểm bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn đủ điều kiện ATTP; 21 mô hình thí điểm giám sát đảm bảo ATTP bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng; 4 tuyến phố/tuyến đường có kiểm soát về ATTP. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực thúc đẩy việc áp dụng xây dựng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo ATTP…

Tuy vậy, việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn như: Cán bộ làm công tác quản lý ATTP cấp huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm; quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP chưa thực sự đủ sức răn đe; phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô hoạt động nhỏ lẻ, manh mún cũng gây khó khăn trong công tác quản lý; nhận thức và kiến thức của các cơ sở và người dân về ATTP còn hạn chế, đặc biệt trong việc sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ngộ độc... Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về ATTP ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch, khu du lịch; kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố, nhất là ở TP Vinh chưa được chú trọng cao.

                 Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong Tháng Hành động vì ATTP 2021. Ảnh: Ngọc Phạm 

Điều chỉnh các chuyên đề thanh tra trong bối cảnh Covid-19

Nhằm phát hiện ra các sai phạm và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, quá trình thực hiện Chỉ thị 13, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã chú trọng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã.

Lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 63.399 cơ sở, trong đó có 50.987 cơ sở đạt (80,42%), 12.412 cơ sở vi phạm (19,58%), nhắc nhở 2.346 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 10.066 cơ sở với số tiền trên 20,3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định; sử dụng dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; hàng hóa có nhãn không ghi đủ và ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm không đầy đủ chỉ tiêu ATTP theo quy định; vi phạm vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch; vi phạm vận chuyển kinh doanh các loại thực phẩm nhập lậu…

Theo ông Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Một số cơ sở phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Vì vậy, nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở trong giai đoạn khó khăn này, các chuyên đề thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch phê duyệt đã được điều chỉnh lại, nên một số chuyên đề không tiến hành kiểm tra được theo như kế hoạch.

Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 13 trên địa bàn, trong năm, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 11 ngày 20/5/2021 quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý Nhà nước về ATTP; Quyết định số 25 ngày 20/8/2021 về tiêu chí chấm điểm và quy trình đánh giá, xếp loại công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện các quy định trên cho thấy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được nâng cao, tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Người tiêu dùng cũng đã biết lựa chọn thực phẩm an toàn, nói không với các loại thực phẩm bẩn. Đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn đã từng bước xóa bỏ tư tưởng và cách làm “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”, sản xuất thực phẩm sạch, hướng đến xây dựng các sản phẩm mang tính thương hiệu hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, thời gian tới, bên cạnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP theo phân công, phân cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP.
                                                                                                                                                             Xuân Thống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay6,214
  • Tháng hiện tại232,068
  • Tổng lượt truy cập13,015,664
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây