Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều người dân đã chuyển sang mua bánh trung thu bằng cách thông qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên các trang mạng xã hội không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sử dụng bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng..
Ảnh: NV
Lưu ý khi chọn mua bánh trung thu
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân lựa chọn, sử dụng bánh trung thu an toàn để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo đó, người tiêu dùng nên chọn bánh trung thu bao bì vẫn còn nguyên vẹn, không bị rách, tránh tình trạng không khí lọt vào làm hư bánh. Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có thành phần nguyên liệu sản phẩm,có ghi ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng,…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, màu sắc không khác thường, không có mùi lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nên chọn những loại bánh trung thu được sản xuất tại các cơ sở uy tín có chứng nhận về chất lượng sản phẩm, tự công bố sản phẩm.
Nếu người tiêu dùng mua bánh trung thu trên các trang mạng xã hội, bánh “nhà làm” thì phải cẩn thận xem xét, tham khảo thêm ý kiến của bạn bè, người thân về chất lượng, uy tín của đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Cách mua thực phẩm online phòng tránh lây nhiễm trong mùa COVID-19
Để góp phần chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 đạt được hiệu quả tốt, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người tiêu dùng nên đặt hàng mua hàng online tại các gian hàng chính hãng, uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, địa chỉ người bán, chất lượng thực phẩm.
Ngoài ra, việc giao nhận hàng không nên tiếp xúc trực tiếp, người giao hàng sẽ đặt hàng hóa tại vị trí đã được chỉ định, thông báo cho khách lấy hàng, đứng chờ khách ở khoảng cách 2-3 mét, không nói chuyện trực tiếp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Người giao hàng phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đơn hàng từ khu vực kho lưu giữ đều được khử khuẩn.
Người tiêu dùng nên lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nếu thanh toán tiền mặt thì nên chuẩn bị đủ số tiền tránh nhận lại tiền thừa.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus gây COVID-19 có thể sống đến 24 giờ trên bìa carton và tối đa ba ngày trên nhựa, thép không gỉ. Do đó, nên loại bỏ bao bì của gói hàng ngay lập tức và vệ sinh hàng hóa vừa nhận để hạn chế được tối đa nguy cơ lây nhiễm virus. Sau đó, rửa tay kỹ trong 20 giây.
Đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đồng chí Chánh văn phòng UBND, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm căn cứ tình hình thực tế địa phương, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, triển khai một số nội dung như sau:
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm…
Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
NGUYÊN VÕ - BÁO MỚI
Ý kiến bạn đọc