Năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, xã hội, công tác đảm bảo AN TOÀN THỰC PHẨM trên địa bàn Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã thường xuyên được kiện toàn và hoạt động theo quy chế, phân công trách nhiệm của Ban chỉ đạo. Công tác tuyên truyền được chú trọng và đẩy mạnh, nhận thức của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm và kiến thức về an toàn thực phẩm của người dân được nâng cao; Quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước được cụ thể hóa đối với các ngành và chính quyền địa phương cấp huyện, xã; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm được nâng cao thông qua công tác đào tạo, tập huấn như: Lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, sử dụng test nhanh thực phẩm, công chức cấp xã được tập huấn cập nhật kiến thức các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch, an toàn; chủ động giám sát phòng ngừa ngộ độc, trong năm 2019, ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 66 người mắc; trong đó có 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở loại hình bữa cỗ tập trung đông người (02 đám cưới và 01 vụ đám giỗ) và 01 vụ loại hình thức ăn đường phố (quán bán xôi sáng), không có vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc trở lên và không để tử vong do ngộ độc thực phẩm; Công tác thanh kiểm tra liên ngành và chuyên ngành được duy trì và đi vào chiều sâu, kết hợp tuyên truyền, vận động chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Công tác cải cách thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, giảm số ngày cấp và giảm các loại giấy tờ con, chuyển từ tiền kiểm, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở thực phẩm sang hậu kiểm theo quy định của pháp luật. Kết quả hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2019 đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh nhà.
Ảnh: Tập huấn phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở
Mặc dù công tác an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức ở phía trước. Hệ thống quản lý an toàn toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã chưa tập trung do một đầu mối quản lý mà còn phân tán ở các ngành phần nào hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Người đứng đầu của một số địa phương cấp huyện, xã chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn, hoạt động của Ban chỉ đạo còn mang tính hình thức, chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt trong đấu tranh và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Cán bộ quản lý làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng, nhất là cán bộ phòng Y tế cấp huyện. Cơ sở vật chất của một số cơ quan quản lý nhà nước chưa ổn định, ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.Trang thiết bị chuyên dụng về an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh nhưng chưa bảo phủ trên diện rộng cũng như tiếp cận của cộng đồng, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy mô sản xuất lớn, tập trung còn thấp, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô hộ gia đình chiếm đa số, nhận thức còn hạn chế, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Tổ chức bữa cỗ tập trung đông người tại cộng đồng vẫn còn phổ biến, chưa được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, giám sát; số lượng nhà máy, xí nghiệp có số lượng công nhân làm việc quy mô lớn trên địa bàn tăng nhanh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các vụ ngộ độc thực phẩm càng cao.
Ảnh: Bs CKII Nguyễn Xuân Hồng phát biểu tại Hội nghị chia sẽ kinh nghiệm QLNN ATTP
Ảnh: Tập huấn test nhanh về an toàn thực phẩm
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là nhu cầu chính đáng và đòi hỏi ngày càng cao của mọi người dân và cả xã hội. Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được tiếp tục nâng cao, kiểm soát tốt hơn, toàn diện hơn chất lượng an toàn thực phẩm phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, trong thời gian tới cần phải triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ. Trước hết đó là xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm địa phương các cấp; các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và của người dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và của toàn xã hội. Rà soát, sửa đổi các quy định về phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với năng lực quản lý, tình hình thực tế của địa phương và thuận lợi cho người dân. Củng cố bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực để triển khai có hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm về độ bao phủ cũng như khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ đối với cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm. Xây dựng và phát triển các mô hình điển hình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống theo chuỗi an toàn thực phẩm. Chủ động giám sát các mối nguy, triển khai các biện pháp cảnh báo và ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm và giải quyết trực tuyến các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025”. Triển khai việc đánh giá hoạt động Ban chỉ đạo các cấp cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thông qua bộ tiêu chí cụ thể công khai và minh bạch./.
Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP Nghệ An