Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những động lực quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý an toàn thực phẩm nói riêng. Trong những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động tại cơ quan.
Ứng dụng phần mềm Dịch vụ công trong hoạt động cấp phép các thủ tục hành chính do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý. Thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Chi cục có 04/04 thủ tục được thực hiện cấp độ 3 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh thông qua ứng dụng phần mềm Dịch vụ cộng. Theo đó, năm 2021 và 06 tháng năm 2022, Chi cục đã tiếp nhận giải quyết 143 hồ sơ trong lĩnh vực quản lý; trong đó 140 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, 03 hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm, tất cả các hồ sơ được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông bằng phần mềm Dịch vụ công.
Ảnh: Ứng dụng phần mềm Dịch vụ công
Trong các hoạt động hành chính tại Chi cục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng các phần mềm: Hệ thống quản lý văn bản điều hành (VNPT iOffice) trong trao đổi, xử lý công việc cho kết quả 100% văn bản phát hành được ký số; 100% văn bản đến, đi được quản lý trên phần mềm quản lý văn bản điều hành (trừ văn bản theo quy định bảo vệ bí mật); Áp dụng phần mềm số hóa tài liệu trong việc lưu giữ bảo quản hồ sơ giúp tìm kiếm, lưu giữ hồ sơ được bảo đảm bảo mật, an toàn nhanh gọn; Áp dụng phần mềm Quản lý cán bộ công chức, phần mềm Báo cáo thống kê tổ chức và nhân lực Y tế trong việc quản lý hồ sơ, cán bộ công chức người lao động tại chi cục; Áp dụng phần mềm Misa, Kho bạc, Quản lý tài sản công trong các hoạt động tài chính kế toán,…
Ảnh: Phần mềm số hóa
Ảnh: Phần mềm quản lý cán bộ, công chức
Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đưa vào vận hành khai thác Hệ thống phần mềm quản lý an toàn thực phẩm từ cấp xã đến cấp tỉnh giúp thu thập, tích hợp dữ liệu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý và báo cáo các số liệu về thanh tra, kiểm tra, ngộ độc thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã. Thông qua phần mềm đã giúp đưa ra cảnh báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là Chi cục An toàn thực phẩm, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế về các cơ sở sản xuất, kính doanh thực phẩm sắp hết hạn, đã hết hạn về giấy phép an toàn thực phẩm để tiến hành nhắc nhở, tiến hành thanh tra kiểm tra.
Ảnh: Phần mềm quản lý An toàn thực phẩm
Việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và đẩy nhanh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được phục vụ thuận lợi, nhanh nhất./.
Phòng Hành chính – Tổng hợp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm