Chi cục ATVSTP Nghệ An: Nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới trong 5 tháng đầu năm 2022

Thứ ba - 07/06/2022 05:00 453 0
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo  An toàn thực phẩm tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành chức năng, các địa phương, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được nâng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như chi phối hoạt động quản lý, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chống dịch sang trạng thái thích ứng, linh hoạt với tình hình mới cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo, công chức, người lao động đến nay các hoạt động Chi cục cơ bản hoàn thành theo chương trình đề ra đầu năm.
Lễ phát động Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022
Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực nâng cao nhận thức và chuyển biến hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Các hoạt động triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức 09 lớp tập huấn với 1.206 người tham gia; tổ chức treo băng rôn tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh; truyền thông lưu động tại các tuyến đường, chợ, khu vực tập trung đông dân cư; Cấp phát 65.000 tờ rơi và 1.620 cuốn tài liệu an toàn thực phẩm cho tuyến huyện, xã thực hiện công tác truyền thông. Đặc biệt, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò thu hút hơn 2.000 người tham gia.
Đ/c Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng phổ biến văn bản cho cán bộ y tế tuyến huyện
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong những tháng đầu năm Chi cục thành lập 03 Đoàn thanh tra chuyên ngành. Tiến hành thanh tra 90 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt là 75.000.000 đồng (bảy nươi lăm triệu đồng). Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh trong dịp Tháng hành động thanh tra được 30 cơ sở, xử phạt 08 cơ sở với số tiền 70.500.000 đồng.
Đoàn thanh tra tiến hành niêm phong mẫu tại cơ sở sản xuất nước uống đóng chai
 Công tác giám sát nguy cơ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, phát hiện kịp thời các sản phẩm kém chất lượng, công tác test nhanh, gửi kiểm nghiệm được tiến hành trong tất cả các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát của đơn vị. Chi cục tiến hành giám sát 143 mẫu thực phẩm các loại, trong đó 132/143 mẫu đạt (tỷ lệ 92,3%), 11/143 mẫu không đạt (tỷ lệ 7,7%). Đặc biệt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm ngày càng đạt hiệu quả cao, trong 5 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộc độc thực phẩm, tuy nhiên cũng đã ghi nhận 76 trường hợp ngộ độc do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra cho cán bộ làm công tác ATTP tại huyện Tân Kỳ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, công tác cải cách hành chính tại đơn vị  được quan tâm triển khai thực hiện một cách quyết liệt, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy trình từ 15 ngày xuống còn 12 ngày, bắt đầu áp dụng từ ngày 20/5/2022 (năm 2021 đã thực hiện quy trình này từ 20 ngày xuống 15 ngày làm việc). Triển khai đồng bộ, thống nhất phần mềm quản lý an toàn thực phẩm ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường đầy biến động hàng hoá đa dạng phong phú. Mặc dù, được các cơ quan chức năng lên tiếng báo động nhưng nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở, cá nhân còn hạn chế. Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở sản xuất thực phẩm đều nhỏ lẻ, trình độ của chủ cơ sở, người sản xuất đều chưa cao (phần lớn các chủ cơ sở đều sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm và truyền thống). Nên việc tiếp nhận và thay đổi hành vi để đảm bảo an toàn thực phẩm còn chậm.  Đời sống người dân còn thấp, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao, vẫn dễ dàng chấp nhận các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đang gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát hàng trôi nổi. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm luôn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và sự tham gia hưởng ứng của người dân. Trong những tháng cuối năm 2022, Chi cục ATVSTP Nghệ An cần đẩy mạnh công tác tham mưu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm trong tình hình mới./.

                                                                                                                         Phòng HC-TH, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay5,493
  • Tháng hiện tại231,347
  • Tổng lượt truy cập13,014,943
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây