Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 13/6/2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An nhận được tin báo từ Trung tâm Y tế huyện Đô Lương ghi nhận có 01 trường hợp tử vong do ăn côn trùng “bọ cánh cứng sâu ban miêu”. Ngay khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cử Đoàn cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đô Lương trực tiếp điều tra xác minh sự việc, kết quả điều tra như sau:
Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 12/6/2022, tại nhà riêng Bà BTB (64 tuổi), địa chỉ: Xóm Lưu Thịnh, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, có 04 người gồm: bà BTB, hàng xóm là ông TMH (51 tuổi) cùng con dâu và cháu bà BTB. Trong đó, chỉ có 02 người là bà BTB và ông TMH ăn món côn trùng bọ cánh cứng Sâu ban miêu. Sau khi ăn, bà B xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn và được đưa ngay vào Trạm Y tế xã Lưu Sơn vào lúc 13 giờ 15 phút cùng ngày, tại trạm Y tế ghi nhận huyết áp bệnh nhân còn 80/50mg và được chuyển ngay đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương. Trong quá trình hỏi bệnh, Trạm Y tế phát hiện ông TMH cũng ăn loại côn trùng này nên cán bộ trạm đã đến trực tiếp nhà ông H và vận động vào viện, sau quá trình vận động, ông H được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An và được chẩn đoán ngộ độc bọ cánh cứng biến chứng suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp, ăn mòn bỏng loét đường tiêu hóa, nhiễm trùng bội nhiễm. Đến 20h cùng ngày thì bà BTB tử vong. Đến 16 giờ 30 phút chiều ngày 13/6/2022, ông TMH được đưa về nhà và sau đó cũng bị tử vong. Theo thông tin từ người nhà, trước đó bà B và ông H có nói là ăn côn trùng này sẽ tốt cho sức khỏe và chữa được bệnh ung thư nên đã dự trữ côn trùng này trong 02 ngày và chế biến vào trưa ngày 12/6/2022.
.
Độc tố của sâu ban miêu có thể gây tử vong
Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis Vesicatoria còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Thực chất là nhiều thứ sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15 - 20mm, ngang 4 - 6mm. Có đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Tuyệt đối không sử dụng sâu ban miêu và các loài sâu, bọ xít, côn trùng không rõ loại, không rõ công dụng để chế biến bằng bất kỳ cách nào
Độc tố của sâu ban miêu là Cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu,… Còn nếu tiếp xúc đường da (dùng tay bắt trực tiếp số lượng lớn), đường hô hấp (mở bao đựng sâu ra hít phải) cũng gây tình trạng dị ứng trầm trọng, hơi độc khiến mắt cay, bỏng rát. Ngộ độc Sâu ban miêu tuy gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong rất cao. Trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh nguy cơ ngộ độc từ các loài côn trùng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo người dân Tuyệt đối không sử dụng Sâu ban miêu và các loài sâu, bọ xít, côn trùng không rõ loại, không rõ công dụng để ăn hoặc làm vị thuốc. Nếu phải đi bắt sâu, người dân phải sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với da và mắt. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, không ăn hoặc sử dụng Sâu ban miêu, các loại côn trùng làm thuốc chữa bệnh mà chưa có hướng dẫn của ngành Y tế ./.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An