Nhân tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Bác sỹ Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An xung quanh các vụ ngộ độc, nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
P.V: Những năm gần đây, công tác đảm bảo ATTP ở Nghệ An đã có nhiều tiến triển, đặc biệt các vụ ngộ độc thực phẩm giảm theo từng năm về số vụ, số người mắc. Song đến nay, ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra. Qua phân tích thì những vụ ngộ độc đó đến từ đâu, thưa ông?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Trong lĩnh vực ATTP, các vụ ngộ độc là một vấn đề mang tính bề nổi. Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu có sự bất thường trong một công đoạn của quy trình từ sản xuất đến chế biến. Cụ thể: Thứ nhất, trong quá trình nuôi trồng thực phẩm, người sản xuất sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng mà không tuân thủ đúng quy trình cho phép. Những yếu tố nguy hại này tồn tại lâu dài trong thực phẩm và gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Thứ hai, trong quá trình lưu thông thực phẩm trên thị trường, người kinh doanh sử dụng, lạm dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm. Thứ ba, trong quá trình chế biến, người chế biến sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm, chế biến không đúng quy trình khiến thực phẩm bị phơi nhiễm các loại vi sinh vật.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện công tác đảm bảo ATTP được thực hiện chặt chẽ hơn; việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATVSTP cũng trở nên rõ ràng nên công tác này thu được nhiều kết quả tích cực. Do đó, các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm thiểu. Đặc biệt, trong 2 năm 2019 – 2020, toàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Tuy vậy, ở tỉnh, các vụ ngộ độc thực phẩm nằm ở quy mô nhỏ, với số ít người mắc còn xảy ra. Qua ghi nhận thống kê, ngộ độc thường xảy ra tại các bữa cỗ tập trung đông người được tổ chức tại cộng đồng. Tại đây, công tác mua, nhập thực phẩm, sơ chế, chế biến, bảo quản thức ăn chưa đảm bảo nên gây ra ngộ độc.
P.V: Được biết, ở khu vực miền núi, ngộ độc thực phẩm còn đến từ việc sử dụng các loại thực phẩm có chất độc như rễ cây, nấm độc… Ông có thể nói gì về tình trạng này?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Trong năm 2018, trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Quỳ Châu đã xảy 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 6 người mắc, 4 người tử vong. Nguyên nhân ngộ độc là do người dân sử dụng các loại thực phẩm cây, quả không rõ nguồn gốc để ngâm rượu. Bản thân họ cứ tưởng đây là thuốc “khỏe”, thuốc bổ ngâm rượu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm 2 mẫu rượu gây nên 2 vụ ngộ độc ở Kỳ Sơn và Quỳ Châu cho thấy người dân đã ngâm nhầm rễ cây lá ngón, có độc chất gây ngộ độc tử vong. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc.
Khắc phục điều này, trong thời gian 2 năm 2019 – 2020, các cơ quan chuyên môn về ATTP ở tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, bằng cách cung cấp tài liệu truyền thông về các xã, phường, thị trấn và tổ chức phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, bản; làm pano đặt vị trí đông người qua lại, để người dân đọc, hiểu. Các tài liệu truyền thông cấp phát về bản được thiết kế bằng 3 thứ tiếng Thái, Mông, Khơ mú. Phải nói rằng, nỗ lực này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
P.V: Ngộ độc độc tố tự nhiên chỉ là một trong rất nhiều nỗi lo về thực phẩm hiện nay. Là người làm công tác quản lý nhà nước về ATTP và cũng là người tiêu dùng, ông thấy đâu là nỗi lo lớn nhất về ATTP hiện nay?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Trong công tác đảm bảo ATTP hiện nay thì lo nhất vẫn là các vụ ngộ độc tập thể có thể xảy ra ở bếp ăn bán trú các trường học, bếp ăn tập thể các nhà máy, khu công nghiệp có số lượng công nhân lớn. Ở những nơi này, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì rất nguy hiểm bởi số lượng người mắc lớn. Thứ hai, nỗi lo còn ở các cơ sở bếp ăn tại nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống khi bước vào mùa du lịch. Thứ ba, đó là lo về nguy cơ mất ATTP đối với các loại thức ăn đường phố.
Về lâu dài thì còn là nỗi lo người sản xuất sử dụng các loại hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi không đúng theo quy định của các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn. Các hóa chất này tiềm ẩn lâu dài trong cơ thể, tích tụ theo thời gian, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, việc xác định, kiểm nghiệm nguy cơ này để rồi phát hiện xử lý, quản lý lại rất khó, đòi hỏi có các loại máy móc, phòng xét nghiệm hiện đại. Các cơ sở xét nghiệm ở Nghệ An hiện chỉ mới kiểm nghiệm được các hóa chất thông thường, việc kiểm nghiệm các hợp chất, kim loại nặng còn gặp khó khăn.
P.V: Ngành Nông nghiệp Nghệ An đã xây dựng được khá nhiều mô hình sản xuất an toàn. Tuy nhiên, bất cập là sản phẩm thực phẩm an toàn lại chưa được nhiều người dân lựa chọn. Điều này dẫn đến việc thiếu sự “kích thích” đối với người sản xuất an toàn. Thực tế câu chuyện này ra sao?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Những năm qua, kiến thức, nhận thức và sự đòi hỏi của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng được nâng cao. Nhiều cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, an toàn đã ra đời và được người tiêu dùng lựa chọn, mua về sử dụng. Song phải nói rằng, các sản phẩm thực phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng sạch, an toàn bao giờ cũng có giá thành cao hơn so với các loại thực phẩm sản xuất theo cách thức thông thường, truyền thống. Chỉ có một bộ phận người tiêu dùng ở khu vực đô thị, có thu nhập cao mới có thể mua và sử dụng. Đại đa số người dân chưa đủ điều kiện kinh tế để thường xuyên sử dụng loại thực phẩm sạch, an toàn. Đây chính là yếu tố khiến thói quen mua thực phẩm bày bán ven đường của người tiêu dùng khó thay đổi.
Để kích thích người sản xuất thực phẩm sạch, an toàn tăng cường sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua thực phẩm theo kiểu “tiện đâu mua đó” của mình. Người tiêu dùng nên lựa chọn các cơ sở đảm bảo điều kiện cung cấp các loại thực phẩm sạch, an toàn; không mua tại các cơ sở không đủ điều kiện bảo quản, cung ứng… Để xây dựng lòng tin về thực phẩm sạch, an toàn thì các cơ quan quản lý cần giúp người dân phân định rõ các loại thực phẩm thật, giả và thực phẩm an toàn. Cụ thể là phải có các dấu hiệu nhận biết như tem nhãn mác để mọi người truy xuất nguồn gốc thực phẩm; có giải pháp để các cơ sở nhỏ lẻ tập trung lại thành các hợp tác xã để quản lý chất lượng thực phẩm, xây dựng thương hiệu chung. Các đơn vị quản lý thị trường cũng phải có những quy định cụ thể yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chỉ buôn bán các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được các cơ quan quản lý chứng nhận đảm bảo.
P.V: Những tháng gần đây, ở một số địa phương trong nước đã nóng lên tình trạng ngộ độc thực phẩm đóng hộp, đóng gói. Ông có thể cho biết thêm về tình trạng này? Và có khuyến cáo nào tới người dân về việc sử dụng thực phẩm đóng hộp, đóng gói?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Thời gian qua, ở một số tỉnh, thành đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, có trường hợp tử vong do sử dụng loại đồ hộp chay. Ngộ độc thực phẩm đóng hộp, đóng gói xuất phát từ suy nghĩ của một số người tiêu dùng là sử dụng máy hút chân không đóng gói thực phẩm để bảo quản tại gia đình. Suy nghĩ này rất nguy hiểm bởi hút chân không thực chất là tạo ra môi trường không có không khí để bảo quản và kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm. Tuy nhiên, mặt trái là hút hết không khí thì lại tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí phát triển, trong đó có những loại vi khuẩn phát sinh ra độc tố Botulinum, gây ngộ độc trong thời gian vừa qua.
Mọi người cần phải thay đổi nhận thức về hút chân không. Hút chân không để bảo quản thực phẩm chỉ có thể thực hiện trong một dây chuyền đủ điều kiện về vô trùng. Tại các gia đình, quá trình hút của chúng ta không đảm bảo, nên nguy hiển hơn. Khi mua, sử dụng các loại thực phẩm được đóng hộp, đóng gói, người tiêu dùng nên tránh loại đồ hộp đã bị phồng lên (khi vi khuẩn yếm khí phát triển sẽ đẩy áp suất khiến đồ hộp phồng ra); tránh những loại đồ hộp hoen rỉ, móp méo, hết hạn sử dụng. Khi mở thực phẩm đóng hộp ra phải đảm bảo mùi vị tươi nguyên; nếu có mùi vị khác lạ thì không nên sử dụng để tránh xảy ra ngộ độc.
P.V: “Tháng Hành động vì ATTP” năm 2021 có chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Trong tháng này, Nghệ An sẽ triển khai những biện pháp nào để tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước, đảm bảo ATTP cho người dân?
Bác sĩ Phạm Ngọc Quy: Tháng Hành động vì ATTP năm 2021 hướng tới việc đảm bảo ATTP kết hợp với phòng, chống dịch Covid-19. Trong tháng này, các cấp ngành, địa phương ở Nghệ An tập trung mạnh vào công tác hướng dẫn đảm bảo ATTP và phòng, chống Covid -19 ngay tại các chợ, siêu thị, cơ sở dịch vụ ăn uống và hộ gia đình. Cụ thể là hướng dẫn người dân khi đi chợ cần biết lựa chọn thực phẩm tốt để bảo vệ mình trước nguy cơ dịch bằng cách sử dụng khẩu trang, găng tay… Khi chế biến thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện an toàn tránh ngộ độc, dịch bệnh; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo ATTP vừa tránh nguy cơ lây nhiễm Covid -19 giữa các thực khách.
Nghệ An xác định rõ nhận thức có nâng cao thì ATTP mới đảm bảo… Cùng với các hoạt động truyền thông thì đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc