Xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe nhân dân, đảm bảo chất lượng cuộc sống góp phần thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của huyện nhà, chính vì vậy trong những năm qua, huyện Diễn Châu luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những giải pháp về truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, từ đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong thực hiện các chính sách, pháp luật đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn huyện Diễn Châu có 43 trường mầm non, trong đó có 5 trường tư thục và 38 trường tiểu học với 100% học sinh mầm non và 11,8% học sinh tiểu học ăn bán trú tại trường. Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các nhà trường, ngay từ mỗi đầu năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo đều có công văn chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, 100% bếp ăn của các trường học trên địa bàn huyện đều thực hiện nghiêm túc theo quy định về an toàn thực phẩm và có 16 trường là Mô hình điểm an toàn thực phẩm.
Bữa ăn bán trú tại trường Tiểu học Diễn Thịnh
Tại trường Tiểu học Diễn Thịnh, khu vực bếp ăn được xây dựng theo quy trình vận hành 1 chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Thức ăn không sử dụng hết được bảo quản trong tủ lạnh. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ bao gồm máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm, tủ sấy bát đũa, ... Thầy giáo Nguyễn Văn Hảo- Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Thịnh cho biết thêm: “Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thì nhà trường còn đặc biệt thực hiện nghiêm đầu vào của các sản phẩm lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn. Công tác giám sát bữa ăn hàng ngày cho học sinh được thực hiện nghiêm ngặt, các phụ huynh có thể đến tham quan bếp ăn hoặc kiểm tra vấn đề ATTP bất cứ lúc nào.”
Hiện nay, với hơn 222 nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thì toàn huyện Diễn Châu vẫn còn một số hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động trong các lễ hội, đám cưới, tang lễ (gọi là bữa cỗ tập trung đông người)....tuy hoạt động thường xuyên nhưng hầu hết lại chưa tìm hiểu kỹ các quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ đáng kể. Bên cạnh đó, Diễn Châu là cửa ngõ giao thông lớn của tỉnh Nghệ An nên hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu về rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản. Tại các chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác, hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực chợ chưa đầy đủ... làm cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, lực lượng chức năng huyện Diễn Châu đã tăng cường công tác truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm, mở các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cũng như tổ chức cho hộ kinh doanh theo hình thức này phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Huyện, từ đó nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Hùng- kinh doanh ăn uống tại Thị trấn Diễn Châu trao đổi: ‘‘Các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên đến kiểm tra nhắc nhở về vấn đề an toàn thực phẩm, không chỉ kiểm tra về thủ tục hành chính mà họ còn kiểm tra thực tế tại tủ đựng thức ăn, bát đũa, cơ sở vật chất tại nơi chế biến thức ăn....nhờ những lần kiểm tra như thế, mà cửa hàng chúng tôi ngày càng khắc phục và thực hiện tốt hơn về vấn đề an toàn thực phẩm”.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại cửa hàng kinh doanh ăn uống
Ngoài việc quan tâm đến an toàn thực phẩm trong trường học, nhà hàng, khách sạn và các cơ sở kinh doanh ăn uống, Diễn Châu còn đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, chế biến. Toàn huyện có trên 5000 cơ sở với đầy đủ các loại hình như sản xuất, kinh doanh, chế biến, dịch vụ ăn uống, đặc biệt có vùng chuyên canh rau quả, chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung. Trong đó thuộc ngành Y tế quản lý trên 500 cơ sở. Để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, Diễn Châu cũng đã tổ chức cho 100% hộ sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt ký cam kết không sử dụng các chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi. Thành lập đoàn Liên ngành đi kiểm tra, giám sát và lấy hàng trăm mẫu thức ăn xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện vi phạm. Đồng thời tập huấn về quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn cho các chủ hộ. Cử cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn. Chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... Ông Quế Văn Duyên - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Diễn Phong cho biết “Qua công tác tuyên truyền, thì bà con nông dân đã thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo ATTP trong sản xuất, chăn nuôi như: chỉ dùng thuốc vi sinh, tuy nhiên cũng hạn chế đến mức thấp nhất chứ không lạm dụng. Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thời gian quy định để đảm bảo sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thị trường bánh Trung thu.
An toàn thực phẩm đang là nỗi lo chung của toàn xã hội, chính vì vậy bên cạnh đẩy mạnh công tác hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát được thực hiện có hiệu quả góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm trong các quá trình sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Diễn Châu đặc biệt chú trọng Những giải pháp hiệu quả về truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về An toàn thực phẩm. Trong 03 năm thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025”, UBND Huyện Diễn Châu và UBND 37 xã, thị trấn Thành phố Vinh đã ban hành hơn 200 văn bản để triển khai công tác quản lý An toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức 94 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm với gần 10.000 người tham gia. Huyện cũng đã thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho gần 200 cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sản xuất được 3.019 tin bài, phóng sự về an toàn thực phẩm phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở, cấp phát trên 200 băng rôn, khẩu hiện, hơn 4.500 tờ gấp, tờ rơi về an toàn thực phẩm. Tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 3.475 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chế biến. Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường học đưa vào quy chế nhà trường, quy định cấm học sinh không được ăn quà vặt trước cổng trường. Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuyên truyền các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời công khai các cơ sở vi phạm về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đoàn Liên ngành huyện và xã cũng đã thanh tra, kiểm tra 1500 cơ sở dịch vụ, bếp ăn đông người và đã xử lý vi phạm 5 cơ sở với số tiền xử phạt gần 110 triệu đồng….. Bà Trương Thị Hằng - Phó trưởng phòng Y tế Diễn Châu, trao đổi: “Để tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác đảm bảo ATTP, thời gian tới huyện Diễn Châu tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP; Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, đồng thời vận động người dân thực hiện tốt Cuộc vận động “Nói không với sản xuất, mua bán và tiêu dùng sản phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế” ./.
Phòng Y tế huyện Diễn Châu