Những điểm mới của Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các giải pháp triển khai

Thứ sáu - 30/06/2023 05:30 388 0
              Ngày 28/6/2023, tại Thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng Ban Tuyên giáo, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đoàn Nghệ An có đồng chí Võ Văn Dũng, tỉnh uỷ viên, Phó Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ và đồng chí Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP.
Quang cảnh hội thảo
                 Triển khai Chỉ thị 17-CT/TW, đồng chí Bùi Ngọc Quý - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm rõ 8 điểm mới của Chỉ thị số 17-CT/TW trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011, cụ thể: (1) Về nội hàm, Chỉ thị số 17-CT/TW bổ sung nội hàm “an ninh, an toàn thực phẩm”, trước đây chỉ đề cập đến an toàn thực phẩm. Theo định nghĩa của FAO (Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc), an ninh lương thực - an ninh thực phẩm tồn tại khi tất cả mọi người, tại mọi thời điểm, được tiếp cận về mặt vật chất, xã hội và kinh tế với thực phẩm đầy đủ, an toàn và bổ dưỡng để đáp ứng nhu cầu ăn kiêng và sở thích của họ cho một cuộc sống năng động và khoẻ mạnh. (2) Tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách. (3) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. (4) Đầu tư, nâng cấp hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. (5) Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. (6) Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là các nước láng giềng. (7) Sớm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. (8) Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
 
Quang cảnh hội thảo
               Hội thảo cũng được nghe đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế báo cáo tổng quan về công tác an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước và tham luận của các ngành, địa phương nội dung tập trung vào các giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW. Các tham luận đều được đánh giá mang tính toàn diện, chất lượng, sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của đại biểu tham dự hội thảo đối với vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm. Từ các ý kiến phát biểu, đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khái quát ý chí chung cùng thực hiện hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW tập trung 7 nội dung sau:
- Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW, lồng ghép các chỉ tiêu thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, đơn vị. Xác định trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, người đứng đầu trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại tuyến cơ sở.
- Hai là, tổng kết thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình mới. Tăng cường giám sát các chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
- Ba là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ Trung ương tới địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính, bố trí ngân sách đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng quy chế hoạt động, phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức phối hợp, quản lý, điều hành của các cơ quan đơn vị làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ hiệu quả.
- Bốn là, nghiên cứu tăng cường đầu tư công tác an ninh, an toàn thực phẩm để bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức, xã hội và các nhóm cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách về an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cơ sở.
- Năm là, chủ động tích cực tuyên truyền vận động cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát phản biện xã hội lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiêm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời những hành vi ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường internet và mạng xã hội.
- Sáu là, nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở sữ liệu chuyên ngành về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, áp dụng chuyển đổi số trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
- Bảy là, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác quần chúng phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Sau Hội thảo, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ cùng phối hợp Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục nghiên cứu giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW./.
                                                                                                                                                Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay8,758
  • Tháng hiện tại32,335
  • Tổng lượt truy cập9,651,047
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây