Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận một số trường hợp ngộ độc tại các huyện Kỳ Sơn và Quỳ Châu xảy ra 02 vụ ngộ độc do sử dụng rượu ngâm nhầm rễ, thân cây Lá ngón, làm 06 người mắc trong đó có 04 trường hợp tử vong. Gần đây nhất, ngày 29/3/2021, tại Thôn 5, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn ghi nhận 02 trường hợp ngộ độc do sử dụng Lá ngón, được phát hiện sớm và xử trí cấp cứu kịp thời nên không xảy ra tử vong.
Ảnh: Chi cục ATVSTP tỉnh Nghệ An điều tra ngộ độc lá ngón tại huyện Anh Sơn.
Ngay khi nhận được tin báo xảy ra ngộ độc trên địa bàn xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã cử cán bộ trực tiếp điều tra và lấy mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Kết quả kiểm nghiệm xác định là nước nấu từ cây Lá ngón.
Ảnh: Chi cục ATVSTP lấy mẫu kiểm nghiệm xác định nguyên nhân
Cây Lá ngón là loại cây dây leo thường mọc tự nhiên ở các vùng miền núi, thân và cành không có lông, trên thân không có khía dọc; Lá mọc đối, hình trứng, thuôn dài, đầu nhọn, bóng nhẵn, dài khoảng 7 - 12cm, rộng 2,2 - 2,5cm; Hoa mọc ở đầu cành hay kẽ lá, có màu vàng. Khi bị ngộ độc do độc tố trong lá ngón có biểu hiện: Nôn mửa, đau bụng dữ dội; Liều vừa gây kích thích, co giật; Liều cao gây hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, liệt cơ hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Ảnh: Cây lá ngón trong tự nhiên
Qua các trường hợp ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và dưới nhiều hình thức, tập trung chú trọng đối với đồng bào dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa về cách nhận biết, tác hại và biện pháp phòng, chống ngộ độc do sử dụng lá ngón và các bộ phận của cây Lá ngón. Tuyệt đối không sử dụng các loại thực vật không rõ loại để làm thực phẩm và không sử dụng Lá ngón để chế biến hoặc dùng trực tiếp. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời./.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An