Sớm quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương

NDO - Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã thổi một luồng sinh khí mới, là ánh sáng soi đường trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tuy nhiên, cần sớm quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Vinh.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Vinh.

Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (gọi là Chỉ thị 17-CT/TW) đã đánh giá “Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khoá XI về vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm; Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế...”.

Đánh giá về những hạn chế, Chỉ thị 17-CT/TW cũng đã nêu rõ “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Không ít cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở.

Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh “Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở”.

Hiện nay, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở Việt Nam được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Tại các văn bản này, đã phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho ba Bộ, ngành quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; đồng thời, phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Một thực tế cho thấy, mô hình quản lý an toàn thực phẩm trên cả nước hiện nay chưa thống nhất, công tác quản lý đang được phân công cho ba bộ ngành là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương, theo phân công tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế quản lý sáu nhóm ngành hàng, Bộ Công thương quản lý tám nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Sớm quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương ảnh 1

Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thủy sản.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có ba tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện mô hình “Ban Quản lý an toàn thực phẩm” trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các tỉnh, thành phố còn lại phân công cho ba sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương quản lý như cấp Trung ương.

Tại mỗi sở, ngành cũng còn nhiều bất cập, Sở Công thương không có đơn vị chuyên trách; trước đây có Chi cục Quản lý thị trường nay đã thành lập Cục Quản lý thị trường trực thuộc trung ương và được phân công kiêm nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho một phòng chức năng thuộc sở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công cho bốn chi cục cùng quản lý: Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi và Thú y; Thủy sản.

Riêng lĩnh vực của Sở Y tế quản lý cũng có nhiều mô hình khác nhau. Tại nhiều tỉnh, thành phố, Sở Y tế giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, một số tỉnh đã giải thể Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và thành lập Phòng An toàn thực phẩm ngay trong Sở Y tế như các tỉnh: Bắc Kạn, Bình Thuận, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

Đối với cấp huyện, cấp xã còn gặp nhiều khó khăn hơn do không có cán bộ chuyên trách tham mưu quản lý an toàn thực phẩm, cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng theo ngành dọc Y tế, Nông nghiệp và Công thương.

Ngoài ra, việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn có sự tham gia của lực lượng cảnh sát môi trường, quản lý thị trường.

Sớm quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương ảnh 2
Tiến hành thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại nhiều siêu thị, nhà hàng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Với bức tranh tổng thể về mô hình quản lý an toàn thực phẩm trên, có thể nhận thấy rất nhiều bất cập, chồng chéo, chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở như đánh giá của Chỉ thị 17-CT/TW.

Với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này.

Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã thổi một luồng sinh khí mới, là ánh sáng soi đường trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tuy nhiên cần sớm quy định mô hình quản lý an toàn thực phẩm tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm như hiện nay.