Những điều nhất thiết phải kiêng sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Thứ hai - 08/07/2019 23:29 654 0

Mặc dù không ai mong muốn mình và người thân trở thành nạn nhân của ngộ độc thực phẩm, nhưng với mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, nguy cơ nhiễm độc cũng như nhiễm khuẩn từ việc ăn uống là không hề nhỏ.

Nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn

Nguyên nhân đầu tiên có thể gây ra ngộ độc thức ăn chính là do sự hiện diện của các loại vi khuẩn như vi khuẩn viêm ruột Campylobacter, khuẩn E.coli, khuẩn salmonela (loại vi khuẩn làm cho thức ăn trở thành chất độc) hay khuẩn cầu trùm Staphylococcus trong thức ăn, các dụng cụ đựng thức ăn chưa được vệ sinh sạch sẽ.

Thứ hai, việc bảo quản hoặc chế biến thức ăn chưa đúng cách cũng có thể là nguyên nhân khiến thức ăn trở thành chất độc gây ra ngộ độc cho cơ thể.

Thứ ba, các loại thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… trong thực phẩm là “thủ phạm” thường xuyên gây ra ngộ độc thức ăn ở nước ta.

Sau khi bệnh nhân ngộ độc thức ăn được tiến hành cấp cứu, giải độc, người nhà bệnh nhân nên cho họ ăn những loại thực phẩm như thế nào?

Đó chính là một câu hỏi mà không ít người đặt ra. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên cụ thể cho người nhà và bệnh nhân, tuy nhiên, các loại thực phẩm khuyên dùng cho bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn thường là:

Nước

Những người bị ngộ độc thức ăn thường phải trải qua 2 triệu chứng chính là nôn và tiêu chảy. Bởi vậy, cơ thể họ bị mất rất nhiều nước, dẫn tới mất cân bằng điện giải. Chính vì lí do đó, sau khi bị ngộ độc thức ăn, bệnh nhân cần được truyền nước và uống thêm nước để bù đắp lại lượng nước đã mất trong cơ thể. Bên cạnh nước lọc, người nhà bệnh nhân có thể cho họ uống trà loãng, nước luộc thịt, nước ép táo.  Nếu như tình trạng nôn mửa khiến cho bệnh nhân không muốn ăn uống, tốt nhất nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Các loại thức ăn “nhẹ” và dễ tiêu hóa

Thường thì sau 1 ngày được tiến hành rửa ruột, giải độc bệnh nhân có thể ăn uống trở lại. Người Mỹ thường nhắc nhở nhau một cụm từ viết tắt về các loại thực phẩm mà người ngộ độc thức ăn có thể ăn đó là “BRAT”, cụm từ này trong tiếng Anh có nghĩa là chuối, cơm-gạo, nước sốt táo và bánh mì. Ngoài ra Viện Y tế Quốc gia Mỹ còn khuyên các bệnh nhận đang trong quá trình hồi phục sau ngộ độc thức ăn nên ăn  bánh quy, và các loại ngũ cốc nấu chín như cháo bột yến mạch, các loại nước ép trái cây, trái cây mềm.

Ở Việt Nam, bột yến mạch có thể dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng thực phẩm tự chọn hoặc các siêu thị.Tuy nhiên, nếu không thể tìm được bột yến mạch, cháo trắng (hay cháo hoa) cũng là một loại thực phẩm tuyệt vời danh cho những người đang phục hồi sau khi bị ngộ độc thức ăn.

Bên cạnh đó, khoai tây nghiền nấu chín cũng là một sự lựa chọn khá phù hợp dành cho hệ tiêu hóa đang trong giai đoạn hồi phục của người vừa trải qua ngộ độc thức ăn.

Sau khi bệnh nhân hầu như đã hồi phục hoàn toàn, người nhà bệnh nhân có thể để họ ăn các loại thực phẩm như thường ngày như trứng, hoa quả chín, rau(nấu chín), thịt gà.

Các loại thực phẩm có chứa “lợi khuẩn“ cho hệ tiêu hóa

Loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa của chúng ta nhất đó chính là sữa chua. Sau khi bị ngộ độc thức ăn và đã hồi phục, bệnh nhân nên ăn thêm sữa chua để bổ sung số lượng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa của mình trở lại. Trung tâm Y tế đại học Maryland khuyến cáo rằng các loại lợi khuẩn như khuẩn sữa lactobacillus acidophilus và lactobacillus bulgaricus giúp hồi phục lại trạng thái cân bằng của hệ vi sinh trong hệ tiêu hóa của con người.

Lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa có một vai trò rất quan trọng, chúng giúp ích cho việc tiêu hóa các loại thức ăn, chống trọi với các loại vi khuẩn  không tốt trong đường ruột, giúp con người luôn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Sau khi bị ngộ độc thức ăn, trong quá trình hồi phục nên kiêng kị những điều gì?

Kiêng hoạt động mạnh, căng thẳng

Sau khi bị ngộ độc, cơ thể chúng ta rất yếu ớt nên nó cần được thư giãn và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể để dành năng lượng cho sự phục hồi. Những hoạt động mạnh khiến cho cơ thể càng thêm mệt mỏi và có thể dẫn đến chấn thương không mong muốn.

Kiêng ăn, uống một số loại thực phẩm như

Các loại thực phẩm khó tiêu hóa  dạng mảnh thô và cứng, thịt, chất béo, các đồ ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ,  rau củ sống bởi chúng rất khó tiêu hóa.

Rượu, bia (đồ uống có cồn), cà phê cũng là các loại đồ uống không tốt vì chúng chứa các hợp chất lợi tiểu, kích thích sự bài tiết nước tiểu của bệnh nhân và có thể dẫn tới tình trạng mất nước nếu như đi tiểu quá nhiều.

Nước ngọt có gas (chứa nhiều đường), và đặc biệt là bơ, sữa vì trong giai đoạn này, cơ thể đang dùy trì ở trạng thái chống chọi lại với độc tố nên sẽ không dung nạp lactozơ gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.

Dấu hiệu và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Dấu hiệu giúp bạn biết mình đã bị ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm rất dễ được phát hiện ra, vì biểu hiện của ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc thường là một vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Người bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC.

Các triệu của ngộ độc thực phẩm thường rất nặng ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nôn và đi ngoài nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch rất dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn nếu nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Vì thế phải rất lưu ý đến những dấu hiệu mất nước mà biểu hiện rõ nhất là nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, khô môi, mắt trũng, khát nước (cần lưu ý ở người già hay bị mất nước nặng lại không kêu khát nước do tuổi cao làm mất cảm giác khát); mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Hạn chế ăn ở những hàng, quán gần lề đường, nơi không có chứng nhận  đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi mua bất kì loại thực phẩm nào cần chú ý đến nguồn gốc, xuất sứ, các thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm, hạn sử dụng (nếu có).

Luôn luôn rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và chế biến các món ăn. Hạn chế các món ăn sống như gỏi, sushi, nộm bởi những món ăn chưa được xử lí qua nhiệt độ cao dễ khiến chúng ta nhiễm các loại vi khuẩn, virut gây ra ngộ độc thực phẩm.

Đối với các loại thực phẩm dùng để ăn sống như hoa quả hoặc rau sống, nên rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy để rửa trôi bớt các chất độc và mầm bệnh, ngâm qua nước muối loãng, xục  ozon trong một thời gian nhất định có thể tiêu diệt tới hơn 90% mầm bệnh của các loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn và giảm thiểu được hơn 80% nguy cơ bị ngộ độc thức ăn do các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu ở các loại rau, quả.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ dùng để chế biến, đựng, chứa thức ăn của gia đình. Phơi các loại bát, đĩa, đũa, thìa… dưới ánh nắng mặt trời cũng là một phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt các loại mầm bệnh, vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, phơi các loại hoa quả rau xanh dưới ánh nắng mặt trời khoảng 15 phút cũng giúp giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

theo Trí Thức Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay6,987
  • Tháng hiện tại66,705
  • Tổng lượt truy cập13,177,425
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây