An toàn thực phẩm: Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do một số độc tố tự nhiên

Thứ tư - 21/10/2020 22:08 673 0

          Trong  những năm qua tại các huyện miền núi của tỉnh ta đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó các vụ ngộ độc do ăn các loại nấm độc, dùng cây quả  có độc tố để ngâm rượu làm chết nhiều người như ở  Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong... Để giúp đồng bào phòng ngừa bị ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An hướng dẫn sử dụng một số loại thực phẩm thường gặp và gây ngộ độc như sau
        I. PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC DO NẤM ĐỘC
        1. Cách nhận biết:
         Nấm độc là loại nấm có chứa các độc tố gây ngộ độc cho cơ thể con người và động vật khi ăn phải. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, nhìn bắt mắt, đủ mũ, phiến, cuống có dạng màng phình to dạng củ, vòng và bao gốc hay những nấm có bào tử màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát ra ánh sáng… Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường đất đai thổ nhưỡng khác nhau. Vì vậy, có thể gặp trường hợp ăn cùng một loài nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, như có nấm độc có màu sắc và hình dạng giống nấm thường. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức. Đặc biệt, mùa xuân, khí hậu dần ấm lên, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm tự nhiên sinh sôi và phát triển, trong đó có nhiều loài nấm độc. So với các loại ngộ độc, ngộ độc nấm tuy xảy ra ít hơn về số ca mắc nhưng khi xảy ra thì tỷ lệ tử vong là rất cao.
         2. Cách phòng chống ngộ độc nấm:
          - Không ăn thử nấm hay cho súc vật an thử, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ
          - Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được
          - Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả...
          - Không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc, không ăn nấm quá non hay quá già và có chảy sữa...
          - Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
          - Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.
          - Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
          - Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đưa người bênh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Khi đi, mang theo mẫu nấm còn loại hoặc thức ăn được chế biến từ nấm để sơ bộ xác định loại nấm để công tác cấp cứu và điều trị được thuận lợi hơn.
          II. PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC DO ĂN MĂNG TƯƠI
          Măng là một thực phẩm quen thuộc, ưa thích của người dân Việt Nam ở cả nông thôn lẫn thành thị trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là trong các bữa cỗ hay các dịp Lễ, Tết. Măng tươi là loại thực phẩm chứa khá nhiều chất xơ - một trong những chất rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa của con người. Tuy nhiên việc sử dụng không đúng cách sẽ gây nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
          1. Triệu chứng ngộ độc măng
          Trong măng tươi có hàm lượng Cy-a-nit rất cao, tùy từng hàm lượng  Cy-a-nit có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng xuất hiện sau khi ăn từ 5-30 phút. Trường hợp nhẹ biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp,…trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền thất nhĩ, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
          2. Xử trí khi ngộ độc măng
          Khi người ăn nhiều măng xuất hiện các dấu hiệu trên, cần ngay lập tức giúp nạn nhân nôn. Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Làm hô hấp nhân tạo nếu ngưng thở, đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
          3. Phòng ngộ độc măng
          - Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng (Khi luộc sôi măng khoảng 12 giờ, hàm lượng Cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi ki lô gam măng. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngã màu vàng và mùi chua thì hàm lượng Cyanide chưa đầy 9mg trong mỗi ki lô gam măng tươi).
          - Cần loại bỏ những quan điểm sai lầm như uống nước luộc măng tươi để hạ sốt và chữa bệnh, không nấu kỹ măng vì sợ mất chất, măng ngâm dấm chưa đủ thời gian đã ăn…đây là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngộ độc măng.
          III. PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC RƯỢU VÀ RƯỢU NGÂM CÁC LOẠI CÂY, QUẢ CÓ ĐỘC TÍNH
           Đồng bào ta thường mua Rượu tự nấu, tự pha chế; trong đó có loại pha với cồn công nghiệp dẫn đến ngộ độc Methanol, bởi Methanol không chuyển hóa ra ngoài mà gây suy gan thận. Đồng thời thường thu hái các loại cây, củ, quả không rõ hoặc khó phân biệt được nguồn gốc dùng để ngâm rượu, có trường hợp nhầm với cây Lá Ngón; cây Lục Mại và đã xảy ra chết người sau khi uống.
           1. Triệu chứng ngộ độc rượu
           Các biểu hiện thường xuất hiện ngay hoặc một thời gian sau khi uống rượu như  chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng và dễ bị tử vong nhanh chóng.
            2. Xử trí ngộ độc rượu
             - Khi thấy người có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần dùng các biện pháp dân gian để gây nôn hết rượu ra và đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
               - Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin Bl, B6, acid folic... để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá; không nến uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan. Không nên uống mật ong pha vì lượng rượu trong người say rượu khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.
                - Nên uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục, uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh. Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ... uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
              - Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.
               - Để phòng ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn loại có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không uống rượu khi đói và chỉ nên uống khoảng 30ml. Đối với bia chỉ nên uống khoảng 300 - 500ml là hợp lý.
               3. Đề phòng ngộ độc rượu
              -  Tuyệt đối không uống rượu khi đói.
              - Không uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ ngày;
              - Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân;
              - Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc hoặc khi uống thuốc điều trị bệnh.
              - Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia./.
                                                                                                                                                                           CHI CỤC ATVSTP NGHỆ AN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay5,759
  • Tháng hiện tại140,403
  • Tổng lượt truy cập9,425,074
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây